QĐND - 20 năm xa quê hương, đây mới là lần thứ hai chị Hê-len Văn (Helene Van), Việt kiều Thụy Điển được ăn Tết cổ truyền tại Việt Nam vì công việc của một nữ doanh nhân quá bộn bề. Nhưng dù ở đâu, làm gì, ViệtNam vẫn luôn là quê hương thân thương mà Hê-len Văn muốn trở về.
Nữ doanh nhân Việt kiều Hê-len Văn. Ảnh: Văn Yên |
Hê-len Văn có vóc dáng nhỏ bé, mảnh mai. Nhưng bên trong dáng vẻ mỏng manh đó lại là một phụ nữ can đảm, ý chí mạnh mẽ, tự lập và quyết tâm vượt khó để vươn lên. Nếu không, đã chẳng có một He-len Văn như bây giờ, một nữ doanh nhân Việt thành đạt nổi tiếng ở đất nước Bắc Âu, sở hữu 3 công ty ở Thụy Điển và một công ty ở Việt Nam.
Sang Thụy Điển, Hê-len Văn không bắt đầu bằng nghiệp kinh doanh mà lại từ nghề giáo. Ở Việt Nam, Hê-len Văn vốn là một kỹ sư tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng với bản chất ham học, chị tiếp tục giành được bằng cử nhân tiếng Anh. Theo tiếng gọi của tình yêu, chị theo chồng về quê hương Thụy Điển, bất chấp khi đó chồng chị nói là “anh rất nghèo, chẳng nuôi nổi vợ đâu”. Dù khó khăn, nhưng Hê-len Văn quyết không động đến 1000USD và 2 chỉ vàng mà mẹ chị đã chắt chiu, dành dụm để đưa con gái phòng thân khi sang làm dâu xứ người. Hồi đó, đây cũng là một số tiền đáng kể.
Hê-len Văn phải đi xin việc làm để trang trải cuộc sống gia đình và không muốn sống phụ thuộc chồng. Nhưng vì không biết tiếng bản địa nên tìm việc rất khó khăn. Một lần đi xin việc, câu đầu tiên chị được hỏi là “bà muốn làm gì?”. Hê-len Văn nói muốn làm giáo viên. Nhưng chị chỉ nhận được ánh mắt dò xét và nghi ngờ cùng câu trả lời: “Làm ơn điền vào phần xin quét dọn và rửa chén!”. Điều này càng khiến Hê-len Văn quyết tâm trở thành giáo viên bằng được. Chị đăng ký học tiếng Thụy Điển và chỉ mất 4 tháng để nói thành thạo, trong khi những người khác phải mất hàng năm trời. Kết quả là chị được nhận làm giáo viên tại Phòng Giáo dục Xtốc-khôm.
Trong suốt một năm rưỡi, Hê-len Văn vừa làm giáo viên, vừa học nâng cao tiếng Thụy Điển vào buổi tối. Học đánh máy, học lập trình, kế toán và kiểm toán, học chứng chỉ phiên dịch. Hê-len Văn học để làm việc chứ không chỉ để lấy bằng vì ở Thụy Điển, cấp bằng nào là làm luôn nghề đó. Cũng bởi, nghề giáo không phải là công việc Hê-len Văn muốn gắn bó lâu dài. Chị muốn tìm những công việc mang tính thách thức cao hơn và tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức đã có.
Chị quyết định đăng ký dự tuyển khóa đào tạo chuyên gia về thị trường và kinh tế quốc tế của Thụy Điển. Khóa học có sự tham gia giảng dạy của những giáo sư danh tiếng nhất. Có 80 người được mời đến phỏng vấn, nhưng chỉ 20 người được chọn và Hê-len Văn là một trong số này.
Cơ hội mới mở ra với Hê-len Văn. Chị được nhận vào làm việc tại tập đoàn Ericsson ở Xtốc-khôm. Khi đó, Hê-len Văn là kỹ sư ViệtNam đầu tiên làm việc tại tập đoàn danh tiếng này và là chuyên gia nước ngoài duy nhất làm việc tại phòng Thị trường vùng. Mỗi chuyên gia được giao phụ trách 2 đến 3 nước. Chính Hê-len Văn là người đã viết giải trình về thị trường di động ở Việt Nam để Ericsson đầu tư vào Việt Nam.
Nhưng Ericsson cũng không giữ chân Hê-len Văn lâu được. Về ViệtNam làm việc 9 tháng với tư cách một chuyên gia của Ericsson, một công ty đã ngỏ ý mời chị về làm Tổng giám đốc. Chị nhận lời vì muốn thử sức với công việc mới. Sau một thời gian, khi đã vững vàng và nhiều kinh nghiệm thương trường hơn, Hê-len Văn ra làm riêng. Khởi nghiệp kinh doanh từ việc mở một công ty và hiện nay đã tăng lên 3 công ty.
Hê-len Văn đã sống và làm việc theo đúng câu châm ngôn yêu thích của mình: “Cuộc đời là trường học và kiến thức là vô tận”.
Thành đạt từ hai bàn tay trắng nơi xứ người. Từng trải qua tuổi thơ vất vả giữa thời chiến tranh bom đạn cùng mẹ và các em vì cha mất từ khi Hê-len Văn còn bé. (Hê-len Văn sinh ra tại Hà Nội, là con gái của nhà giáo, nhà cách mạng yêu nước Văn Gói, nguyên là Thường vụ tỉnh Phú Yên thập niên 1950), nên khi thành công ở nước ngoài, Hê-len Văn mong muốn về nước đầu tư để giúp đỡ được nhiều người vì chị biết ở Việt Nam còn nhiều bà con có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ.
Năm 2005, Hê-len Văn quyết định về nước đệ đơn xin giấy phép đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, du lịch ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một quyết định dũng cảm vì vào thời điểm đó, doanh nghiệp của chị là doanh nghiệp đầu tiên xin đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này ở Phú Yên. Chị thành lập Công ty Bắc Âu ở Việt Nam và thực hiện dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Scandia Villa & Resort (Làng Quốc tế Bắc Âu), với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Dự án gồm khách sạn 5 sao, resort 4 sao, 200 biệt thự sinh thái, 120 căn hộ cao cấp với hệ thống dịch vụ tiện nghi khép kín.
Để dự án thành hình hài như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực phi thường của Hê-len Văn. Bởi thời đó, thủ tục hành chính chưa được thông thoáng như bây giờ, nhất là đối với một chủ đầu tư là Việt kiều. Phải mất nhiều năm trời, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được, dự án của Hê-len Văn mới được triển khai. “Nếu chỉ nghĩ tới lợi nhuận, chắc tôi không thể nào làm được”, Hê-len Văn tâm sự. “Tôi quyết định trở về vì muốn giúp đỡ quê hương, giúp ngành du lịch Phú Yên phát triển”, Hê-len Văn nói.
Cũng chính vì lẽ đó, Hê-len Văn luôn dành thời gian và một phần lợi nhuận để tham gia công tác xã hội, làm từ thiện. Mỗi lần bán được nhà, Hê-len Văn lại trích lại một số tiền để xây nhà tình thương tặng người nghèo, ủng hộ các quỹ khuyến học, quỹ thanh niên xung phong. Chị đang ấp ủ mong ước sẽ xây dựng một trại dưỡng lão và một trường dạy nghề cho những trẻ em kém may mắn ở ViệtNam.
MỸ HẠNH
kiến thức seo, seo onpage, giai phap seo, huong dan seo website, cach lam seo, tim hieu ve seo, seo off page, seo cho website, cach seo website, video hoc seo
marketing online, marketing can ban, search engine optimization, marketing online hiệu quả
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét